Lượt xem: 326

Vượt khó, thoát nghèo từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm ở huyện Châu Thành

Từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã giúp nhiều hộ dân ở huyện Châu Thành có vốn phát triển mô hình kinh tế gia đình, tạo việc làm, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống theo hướng bền vững.

 


Nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã giúp nhiều hộ dân phát triển mô hình kinh tế gia đình, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống theo hướng bền vững.

 

    Bản thân là một “nông dân chính hiệu”, hằng ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhưng ông Dương Văn Thắng, ngụ ấp Đắc Lực, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành chỉ đổi lại thu nhập ít ỏi trên chính mảnh vườn của gia đình và chỉ đủ xoay sở cho cái ăn, cái mặc trong gia đình. Ông Thắng bộc bạch: “Trước đây, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, với nguồn vốn ít ỏi ban đầu, chủ yếu là vốn tự có của gia đình, tôi cải tạo ao vườn để nuôi ba ba thương phẩm số lượng chỉ vỏn vẹn 1 hầm vài trăm con; về kỹ thuật nuôi thì chủ yếu học tập, trau dồi kinh nghiệm từ những người đi trước. Tuy nhiên, do chi phí thức ăn cao, nên lợi nhuận chưa ổn định, thu nhập gia đình còn bấp bênh, thậm chí có năm còn thua lỗ, nhiều lần tôi đã có ý định từ bỏ việc chăn nuôi”.

    Nhưng rồi cơ hội cũng đến với ông Thắng sau khi ông gia nhập tổ hợp tác của Hội Nông dân, với sự hỗ trợ về kỹ thuật của thành viên Tổ hợp tác nuôi ba ba ấp Đắc Lực, thấy mô hình có hướng phát triển nên Hội Nông dân xã Hồ Đắc Kiện phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng để gia đình ông Thắng mở rộng quy mô và đổi mới kỹ thuật.

    Ông Thắng chân tình chia sẻ thêm: “Sau khi vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn, tôi chấp hành theo quy định của tổ, đóng lãi, tiết kiệm hằng tháng và trả nợ phân kỳ đúng thời gian quy định. Hiện nay, nhờ nguồn vốn ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội mà tôi đang thực hiện mở rộng 2 hầm, nuôi trên 1.300 con ba ba, đã và đang xuất bán với giá 300 - 350 ngàn đồng/kg nên dự kiến sẽ có lãi. Bên cạnh đó, tôi còn phối hợp nuôi rắn ri voi và rắn ri cá trên 200 con, dự kiến tổng thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Hiệu quả mang lại từ những mô hình trên đã giúp gia đình tôi vươn lên ổn định kinh tế, mở rộng thêm quy mô trang trại và có tiền để nuôi các con tôi ăn học”.

    Từ những khó khăn đã vượt qua và thành quả đạt được như ngày hôm nay là nhờ có sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, nguồn vốn ưu đãi tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã đến tận tay bà con nông dân như ông Thắng một cách kịp thời để bà con vững tin, mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế, mang lại thu nhập cải thiện đời sống.

    Xác định nguồn vốn cho vay, giải quyết việc làm là một trong những chương trình quan trọng, giúp người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, nên thời gian tới, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, UBND các xã, thị trấn và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đẩy mạnh công tác tuyên truyền những chủ trương, chính sách mới về tín dụng chính sách để người dân nắm bắt, tiếp cận nguồn vốn thuận lợi.

Quang Bình



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 41
  • Hôm nay: 204
  • Trong tuần: 70,631
  • Tất cả: 11,802,638